Bệnh Nha Chu Căn Bệnh Nguy Hiểm

Bệnh Nha Chu Căn Bệnh Nguy Hiểm

BỆNH NHA CHU TỔNG QUAN

NHA CHU LÀ GÌ?

Là khái niệm trong chuyên nghành nha khoa bao hàm toàn bộ các cấu trúc giải phẫu vi thể quanh răng từ ngoài vào trong bao gồm: Lợi quanh chân răng, túi lợi tạo bởi lợi và cổ răng, xương ổ răng bao quanh thân răng-nằm dưới lợi, hệ thống dây chằng quanh răng có tác dụng neo giữ chắc chắn răng vào xương ổ răng do cấu tạo của mỗi sợi dây chằng là một đầu được vùi sâu vào xương ổ răng, một đầu còn lại đi tới liên kết chặt chẽ với bề mặt chân răng. Khi các thành phần này bị viêm và tổn thương về mặt cấu trúc thì răng sẽ mất độ vững chắc bởi mất dần các thành phần neo giữ răng trên xương hàm Nha là răng, chu là chu vi xung quanh răng. Nha chu là tổ chức xung quanh răng, có chức năng chống đỡ, giữ răng trong xương hàm. Một răng lành mạnh thường được giữ trong xương hàm bởi: xương ổ răng, dây chằng và nướu răng. Nướu ôm sát lấy răng để che chở các mô dễ nhạy cảm bên dưới ngăn ngừa không cho vi khuẩn xâm nhập làm hại răng. Nướu tốt là nền tảng cho hàm răng tốt.

Xem thêm về cấu trúc vi thể quanh răng ở đây

Bệnh nha chu là gì?

Bệnh nha chu là bệnh của các tổ chức xung quanh răng với tình trạng viêm nhiễm mạn tính ở mô lợi, xương ổ răng và mô nha chu nâng đỡ của răng. Biểu hiện thường thấy là nướu viêm đỏ, dễ chảy máu, chảy mủ, tiêu xương ổ răng, răng lung lay, và cuối cùng là mất răng. Có thể nói phần lớn các trường hợp mất răng ở người trưởng thành là do bệnh nha chu gây nên.

Nguyên nhân gây bệnh nha chu?

Nguyên nhân chính gây bệnh nha chu là sự phát triển của vi khuẩn trong mảng bám răng. Thoạt đầu các mảng thức ăn bám dọc theo cổ răng, khe răng, túi lợi. Vi khuẩn được nuôi dưỡng và cư trú tích tụ trong các mảng bám này tiết ra một số chất trên răng sẽ hình thành một màng trong suốt thúc đẩy thức ăn bám thêm vào Nếu không chải răng hoặc chải răng không đúng cách để loại trừ màng này, nó sẽ tích tụ gọi là mảng bám răng, Theo thời gian, mảng bám răng bị vôi hóa (cứng dần) thành vôi răng (còn gọi là cao răng).

Nguyên nhân gây bệnh nha nhu chính là các vi khuẩn hiện diện trong mảng bám răng. Sự tích tụ số lượng các vi khuẩn trong mảng bám răng, lượng vi khuẩn ngày càng tăng là yếu tố khởi phát bệnh nha chu. Có hai loại mảng bám: mảng bám trên nướu và mảng bám dưới nướu. Thành phần chính trong mảng bám là vi khuẩn.

Nếu không được loại bỏ thì mảng bám sẽ bị khoáng hoá dẫn đến việc hình thành vôi răng (cao răng ). Và chính bề mặt thô nhám của vôi răng là nơi lý tưởng cho sự tích tụ thêm nhiều vi khuẩn và khả năng gây bệnh viêm lợi ngày càng cao hơn. Chính vì vậy mà trong điều trị bệnh nha chu ngoài các kỹ thuật điều trị chuyên biệt thì vấn đề vệ sinh răng miệng được xem như là vấn đề quan trọng hàng. Các độc tố do vi khuẩn tạo ra xâm nhập mô nướu, gây viêm. Chúng cũng phá hủy các mô nâng đỡ răng chính là hệ thống dây chằng quanh răng khiến nướu dần tách ra khỏi bề mặt cổ răng.

Bệnh sẽ tiến triển rất nhanh nếu cơ thể có một bệnh toàn thân nào đó làm giảm sức đề kháng của cơ thể và ngược lại sẽ âm thầm tiến triển xen kẽ những đợt cấp và mạn tính trên người khỏe mạnh làm cho người bệnh chủ quan, không điều trị triệt để làm cho bệnh đi đến giai đoạn cuối mới được điều trị, kết quả đạt được rất thấp

Tuy nhiên ngoài vai trò vi khuẩn thì tổng trạng của bệnh nhân cũng là yếu tố không kém phần quan trọng. Các yếu tố nguy cơ và làm tăng nặng tình trạng nha chu bao gồm:

– Chế độ dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe răng miệng không tốt.

– Tâm lý căng thẳng (làm giảm sức đề kháng của cơ thể).

– Hút thuốc lá, bị tiểu đường.

– Các bệnh tác hại đến hệ thống miễn dịch như bệnh bạch cầu, nhiễm HIV/AIDS.

Triệu chứng bệnh nha chu

Bệnh có 8 triệu chứng:

– Chảy máu nướu khi chải răng.

– Nướu sưng đỏ, dễ chảy máu.

– Vôi răng đóng ở cổ răng.

– Hơi thở hôi.

– Ấn vào nướu thấy mủ chảy ra.

– Có cảm giác không bình thường khi nhai.

– Răng lung lay.

– Răng di chuyển và thưa ra

Bệnh thường diễn biến qua 2 giai đoạn: viêm nướu và viêm nha chu.

1.VIÊM NƯỚU ( LỢI )

Nếu nướu bị viêm, ta sẽ thấy một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

– Nướu đổi màu so với bình thường (hoặc đỏ thẫm, hoặc tím thẫm).

– Nướu sưng lớn hơn bình thường, sưng đỏ, phù nề mất lấm tấm da cam

– Dễ dàng chảy máu khi chải răng hoặc khi thăm khám

– Trường hợp nặng có thể chảy máu tự phát.

– Đôi khi tự thấy hôi miệng

Giai đoạn này bệnh có tính tái phát theo thời gian, các triệu chứng khi nặng, khi nhẹ nhưng không gây ẩnh hưởng đến tính mạng mà chỉ gây phiền hà trong một thời gian ngắn nên người bệnh có thể bỏ qua không điều trị một cách triệt để. Trừ một số trường hợp đặc biệt viêm lợi do bệnh toàn thân, đa số viêm lợi là do nguyên nhân tại chổ bởi vệ sinh răng miệng không đúng cách nên việc điều trị tương đối đơn giản bao gồm hướng dẫn vệ sinh răng miệng, loại bỏ các kích thích tại chổ như mảng bám răng, vôi răng, miếng trám dư, phục hình răng giả không đúng…

Nếu kịp thời điều trị ở giai đoạn này, bệnh sẽ khỏi hẳn. Nếu không, phần lớn các trường hợp sẽ tiến triển thành viêm nha chu.

2.VIÊM NHA CHU

Nếu không điều trị tình trạng viêm lợi kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng phá hủy mô và gây viêm nha chu. Có nhiều thể bệnh viêm nha chu khác nhau nhưng thường biểu hiện qua các dấu hiệu như mất bám dính của lợi vào cổ răng, thành lập túi viêm mủ trong vùng mô quanh răng nha, sưng đau có tính chất tái phát lặp đi, lặp lại, chảy mủ , tiêu xương ổ răng, chấn thương thứ phát, răng lệch lạc, lung lay và cuối cùng là mất răng. Ở giai đoạn này việc điều trị trở nên khó khăn hơn do khả năng hồi phục của mô nha chu và xương nâng đỡ quanh răng kém. Điều trị bao gồm việc cạo vôi, cạo láng gốc răng, kháng sinh liệu pháp và cần thiết kết hợp điều trị phẫu thuật.

Lúc này, dù điều trị thế nào, mô nha chu cũng không thể hồi phục như cũ vì bệnh đã phá hủy các mô nâng đỡ răng sâu bên dưới nướu như xương quanh răng, dây chằng nha chu và xê-măng bám quanh chân răng. Ở thời kỳ viêm nha chu, nguy cơ mất răng cao.

Có những trường hợp phản ứng viêm bị che lấp hoặc không xảy ra mãnh liệt khiến ta khó nhận biết, trong khi xung quanh chân răng đã hình thành các sang thương bệnh lý như mất bám dính của lợi vào lớp xê măng quanh chân răng, xương ổ bị phá hủy tạo thành một tổn thương thực thể gọi là túi nha chu. Trong các túi này, tình trạng nhiễm trùng tiếp tục phát triển. Dần dần, bệnh càng tiến triển khiến hiện tượng tiêu xương ngày một trầm trọng, răng lung lay, đôi khi không thể giữ được và phải nhổ đi.

Bệnh tiến triển rất thầm lặng nên người bệnh thường ít chú ý. Các nướu bị sưng to rồi tự xẹp xuống làm người bệnh lầm tưởng là bệnh tự lành. Cứ thế, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời thì lớp mô nâng đỡ răng, dây chằng sẽ bị phá hủy và làm tiêu xương ổ răng, răng bị lung lay và cuối cùng sẽ mất răng dù răng còn nguyên vẹn, không bị sâu.

Điều trị bệnh nha chu

Thông thường, khi có ổ áp xe ở nướu, người mắc bệnh nha chu thường đến nhà thuốc mua vài loại kháng sinh về tự điều trị. Nếu may mắn dùng đúng thuốc, đúng liều, ổ mủ sẽ giảm hoặc khỏi hẳn. Nhưng bệnh nha chu thì vẫn còn.

Hãy đến nha sĩ ngay nếu có các biểu hiện viêm nha chu dưới đây:

– Chảy máu nướu khi chải răng.

– Nướu đỏ, sưng, tách ra khỏi răng.

– Hơi thở hôi dai dẳng.

– Có ổ mủ hoặc có mủ chảy ra ở giữa răng và nướu ở vùng cổ răng.

– Răng lung lay hoặc thưa ra, đặc biệt khi nhai.

Thông thường bệnh viêm nha chu xảy ra không rõ ràng, bởi phần lớn thời gian diễn tiến bệnh không kèm theo triệu chứng đau đặc hiệu. Vì vậy, việc khám răng miệng định kỳ, trong đó khám toàn diện mô nha chu, là rất cần thiết. Có 4 loại điều trị căn bản thường được áp dụng:

Khẩn cấp

Không phẫu thuật

Phẫu thuật

Duy trì.

Khi nào bệnh nha chu được điều trị khẩn cấp?

Khi nào bệnh nha chu được điều trị khẩn cấp? Đây là câu hỏi chung của rất nhiều người.

Khi ở vùng nướu hoặc niêm mạc có ổ mủ (áp-xe = abcess) thì sẽ có chỉ định điều trị khẩn cấp.

Nhưng làm thế nào để biết được đó là ổ mủ nha chu? (thuật ngữ chuyên môn gọi là chẩn đoán). Nếu có ổ mủ nha chu như vậy thì có tự điều trị được không, hay phải đi khám bác sĩ chuyên khoa?

Ổ mủ chỉ là cơn cấp tính của bệnh. Là hậu quả của vi khuẩn tấn công ra mô nha chu từ mảng bám răng, cao răng trong đáy túi lợi Nếu bạn tự điều trị bằng kháng sinh và thấy hết đau thì cũng đừng vội mừng. Bệnh vẫn tồn tại bởi cao răng, mảng bám răng và các ổ viêm trong xươg ổ răng vẫn còn và bệnh trở thành mạn tính, thỉnh thoảng sẽ bộc phát cơn cấp tính (tái diễn theo chu kỳ và ngày càng trầm trọng). Nếu bạn chỉ mới bị viêm nướu, cách điều trị đó sẽ khiến bạn chuyển nhanh sang giai đoạn bệnh viêm nha chu. Nếu đã bị viêm nha chu thì bệnh sẽ ngày càng trầm trọng, làm răng lung lay nhiều hơn, cuối cùng là mất răng. Khi cảm thấy, nhìn thấy hoặc sờ thấy một khối sưng ở vùng nướu hoặc niêm mạc có màu đỏ, đau nhiều hay ít, sờ thấy lùng nhùng thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị bệnh sớm (cho dù có thể tự điều trị đẩy lui được cơn cấp tính).

Nếu tự điều trị ổ mủ giảm, hết đau, không đi khám chuyên khoa thì sau đó sẽ như thế nào?

Bệnh vẫn tồn tại và đi vào trạng thái mạn tính, sau đó thỉnh thoảng bộc phát cơn cấp tính, cứ tái diễn theo chu kỳ và ngày càng trầm trọng. Nếu ở giai đoạn bệnh về nướu thì có thể chuyển sang giai đoạn bệnh viêm nha chu, là giai đoạn nặng. Nếu là một ổ mủ của bệnh viêm nha chu thì bệnh diễn tiến tương tự theo chu kỳ, ngày càng trầm trọng và răng lung lay nhiều hơn, cuối cùng đưa đến mất răng.

Điều trị không phẫu thuật

Đây là loại điều trị căn bản nhất vì tỷ lệ áp dụng cao nhất, là bước điều trị đầu tiên cho mọi kế hoạch điều trị bệnh nha chu. Ở giai đoạn điều trị này, nếu có sự hợp tác của bệnh nhân thì kết quả rất khả quan. Loại điều trị này phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện qua 2 bước:

+ Điều trị sơ khởi

Bác sĩ chuyên khoa sẽ khám và đánh giá các yếu tố thuận lợi cho sự lưu giữ mảng bám, cản trở vệ sinh răng miệng và kiểm soát mảng bám vi khuẩn.

Ở bước điều trị này, bác sĩ phải loại bỏ các yếu tố vừa kể bằng cách:

– Chỉnh sửa hoặc thay thế tất cả những miếng trám không đúng kỹ thuật.

– Chỉnh sửa hoặc thay thế những phục hình không đúng kỹ thuật.

– Đánh giá và chỉ định răng cần nhổ (không thể giữ được).

– Cố định răng (nếu răng lung lay).

– Thực hiện phục hình tạm thời (nếu cần thiết).

+ Cạo cao răng – xử lý mặt gốc răng

Đây là một thủ thuật điều trị không nhất thiết phải do bác sĩ thực hiện, và nó được chỉ định cho tất cả mọi kế hoạch điều trị nha chu, nhất là với những trường hợp viêm nướu sẽ cho kết quả rất khả quan. Cạo cao răng là thủ thuật nhằm loại sạch vôi răng, mảng bám bằng dụng cụ cầm tay hoặc bằng máy siêu âm, làm láng mặt răng, tạo điều kiện cho mô nướu lành thương, trở lại trạng thái sinh lý của nướu. Do đó, bệnh nướu răng là dạng bệnh nha chu có tính hoàn nguyên.

Một câu hỏi bệnh nhân thường đặt ra cho bác sĩ là: Cạo vôi răng có làm hư răng không?

Về mặt chuyên môn, thủ thuật điều trị này không làm hư răng, không làm mòn răng.

– Hư răng: ở đây thuật ngữ này muốn nói có ảnh hưởng đến bệnh lý tủy răng hay không?

Nếu sử dụng dụng cụ cầm tay thì không ảnh hưởng gì đến tủy răng, vì thao tác này tuy có sự ma sát giữa dụng cụ và mặt răng, nhưng với một biên độ di chuyển rất ngắn, nhẹ nhàng, dụng cụ sẽ không làm tăng nhiệt độ và gây hại cho tủy răng.

Nếu sử dụng máy lấy cao răng siêu âm thì bắt buộc phải có nước phun sương liên tục với hai mục đích: Vừa không làm tăng nhiệt độ vừa rửa sạch vôi răng ngay khi bị đánh bật ra khỏi mặt răng, do đó cũng không ảnh hưởng gì đến tủy răng. Nhưng nếu vì lý do não đó, lúc sử dụng máy không có nước phun sương thì sẽ làm gia tăng nhiệt độ ở bề mặt răng, vì vậy không sử dụng máy trong tình trạng máy chạy không có nước phun sương.

– Mòn răng: Không gây mòn răng cho dù với dụng cụ cầm tay hay với máy siêu âm nếu người điều trị được huấn luyện, đào tạo cách sử dụng dụng cụ một cách thành thạo. Máy siêu âm là loại máy rung với tần số cao làm bật vôi ra khỏi mặt răng, chứ không có tác dụng mài mòn như máy siêu tốc dùng tạo xoang để trám răng. Hiệu ứng của máy cạo vôi siêu âm là đôi khi làm bệnh nhân có cảm giác ê buốt, nhưng đấy là cảm giác nhất thời và hồi phục tức thì, không gây hại cho răng.

Tuy nhiên, nếu sử dụng dụng cụ không thành thạo sẽ có nguy cơ làm tổn thương mô mềm với dụng cụ cầm tay và tổn thương mô cứng với máy siêu âm (trầy, sướt bề mặt răng).

Trên đây là hai phương tiện cạo vôi răng phổ biến nhất, hiệu quả nhất.

– Xử lý mặt gốc răng

Thủ thuật này được sử dụng để điều trị viêm nha chu, gọi là điều trị không phẫu thuật, do bác sĩ RHM đa khoa thực hiện nếu bệnh viêm nha chu nhẹ, nghĩa là túi nha chu không sâu lắm, độ mất bám dính ít, tiêu xương trên xương. Nếu bệnh nặng hơn, túi nha chu sâu (> 5mm, mất bám dính nhiều, tiêu xương ổ răng trầm trọng, viêm túi dưới xương hoặc túi trong xương), phải được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa nha chu. Dù ở mức độ nào của bệnh, nếu sau khi điều trị không phẫu thuật, bệnh không thuyên giảm, bước điều trị kế tiếp phải do bác sĩ chuyên khoa nha chu tái khám và điều trị phẫu thuật.

Nha sĩ sẽ tư vấn về cách vệ sinh răng miệng như cách chọn lựa bàn chải đánh răng, chải răng đúng cách, sử dụng đúng chỉ nha khoa, chải kẽ răng để lấy sạch mảng bám. Nha sĩ cũng là người tư vấn chọn lựa thuốc súc miệng, kem chải răng thích hợp để giúp chúng ta bảo đảm được sức khỏe răng miệng và dự phòng tốt bệnh nha chu.

Khi đi khám, bạn đừng quên báo với bác sĩ nha khoa những thay đổi về sức khỏe chung, các thứ thuốc mà mình đang sử dụng như thuốc tránh thai, chống trầm cảm, tim mạch… vì chúng có thể tác động đến sức khỏe răng miệng.

Điều trị phẫu thuật.

Phẫu thuật chỉ áp dụng khi đã áp dụng các biện pháp điều trị thông thường nhưng bệnh không có dấu hiệu đáp ứng.

Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật nha chu và phải do bác sĩ chuyên khoa nha chu thực hiện.

Điều trị phẫu thuật nhằm mục đích bộc lộ và loại bỏ toàn bộ mô nha chu viêm, có thể phải cắt và tạo hình lại túi lợi để trả túi lợi về độ sâu và tương quan sinh lý với thân răng và xương ổ răng, các bước sơ lược bao gồm:

Gây tê tại chỗ

Mở vạt lợi hai bên để bộc lộ đáy túi lợi và xương ổ răng bệnh lý, bộc lộ cổ răng, gầm răng, kẽ giữa hai răng

Nạo bỏ xương ổ răng nhiễm khuẩn, cắt loại bỏ mô lợi bệnh, dùng dụng cụ làm sạch mảng bám, cao răng trên cổ răng, gầm răng, kẽ giữa hai răng

Bơm rửa, sát trùng phẫu trường, đóng vạt lợi tạo hình chủ động theo cấu trúc giải phẫu sinh lý nhất cho răng

Chú ý: Sau khi đã nạo bỏ mô xương ổ răng bệnh lý và cắt bỏ lợi viêm, phần thân và cổ răng trông như dài ra hay lợi nhìn có cảm giác cao lên ( ở hàm trên ) hay thấp hơn xuống ( ở hàm dưới ) hơn so với trước khi phẫu thuật, điều này làm cho việc vệ sinh hiệu quả hơn bởi lông bàn chải sẽ lấy được hết thức ăn ở tận đáy túi lợi ( sau phẫu thuật chỉ còn 1-2mm ) và vì vậy làm giảm thiều nguy có viêm lợi tái phát thay vì trước đó túi lợi bệnh lý có thể sâu từ 3-8mm làm thức ăn lưu lại không thể loại bỏ được và vì vậy làm cho bệnh không ngừng tiến triển.

Điều trị duy trì được áp dụng khi bệnh đã tiến triển tốt. Đây là phương pháp kiểm soát bệnh bằng cách kiểm soát màng bám vi khuẩn và tái khám định kỳ. Ở bệnh viêm nha chu, việc điều trị duy trì kéo dài cho đến khi các răng không còn tồn tại trên cung hàm.

Điều trị duy trì là gì? Có thể nói một bệnh nhân chuyển sang điều trị duy trì là bệnh đã được điều trị tốt. Điều trị duy trì có nghĩa là làm thế nào để bệnh không tái phát, nói cách khác là kiểm soát được bệnh bằng cách kiểm soát màng bám vi khuẩn và tái khám định kỳ. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là giai đoạn điều trị duy trì kéo dài bao lâu? Ở bệnh viêm nha chu, điều trị duy trì kéo dài suốt thời gian các răng còn tồn tại trên cung hàm.

Kết quả điều trị nha chu tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, quan trọng nhất là giai đoạn bệnh. Nếu ở thời kỳ viêm nướu, kết quả rất khả quan; sau đó nướu sẽ trở lại trạng thái bình thường như trước khi bị bệnh. Nếu đã viêm nha chu, kết quả điều trị tùy thuộc vào độ sâu của túi nha chu, mức độ tiêu xương, phương tiện, phương pháp và kỹ năng điều trị của bác sĩ và các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân nếu có.

Có một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị, đó là sự hợp tác của người bệnh trong suốt 4 giai đoạn điều trị.

Tác hại của bệnh nha chu

Ngoài việc phá hủy các mô nâng đỡ răng, làm tiêu xương ổ răng, lệch răng, lung lay răng, bệnh nha chu còn gây hôi miệng làm người bệnh thiếu tự tin trong giao tiếp, bị cô lập trong cuộc sống. Bên cạnh đó, bệnh còn có biến chứng như làm đau vùng thái dương, gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc ăn uống gây nên chứng đau dạ dày, lổ loét vòm miệng lâu ngày sẽ dẫn đến ung thư ở người bị nha chu.

Bệnh nha chu và phụ nữ

Phụ nữ vào thời kỳ dậy thì, lúc hành kinh, mang thai hay mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao do cơ thể có sự xáo trộn nội tiết tố, làm tăng sinh mao mạch. Cho nên phụ nữ cần chú ý hơn đến vệ sinh răng miệng để hạn chế việc mắc phải bệnh nha chu. Khi có thai, ở miệng thai phụ xuất hiện những u nướu, thông thường u nướu này sẽ tự biến mất sau khi sinh nhưng nếu sau thai kỳ mà u nướu vẫn còn thì bệnh nhân cần đến nha khoa để được phẫu thuật. Vì vậy thai phụ không chỉ chú trọng việc khám thai mà còn phải quan tâm đến việc khám răng miệng trong thai kỳ.

Phòng ngừa bệnh nha chu

Để phòng bệnh nha chu, điều quan trọng nhất là đánh răng đều đặn và đúng cách để loại bỏ mảng bám vi khuẩn trên bề mặt răng và khe nướu. Sáu tháng 1 lần, nên đến nha sĩ khám răng định kỳ và lấy sạch vôi răng, mảng bám ở những nơi bàn chải không làm sạch được.

Đi khám định kỳ tại các cơ sở nha khoa để được điều trị kịp thời và đúng đắn.

Bệnh nha chu có thể phòng ngừa được dễ dàng bằng những biện pháp tại nhà hằng ngày:

1 Tránh hút thuốc lá

2. Chải răng đúng phương pháp, chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ.

– Không chải răng bằng phương pháp chải ngang vì khó làm sạch được các mảng bám ở viền nướu, khe răng; mặt khác, dễ gây hại nướu và răng.

– Luôn dùng bàn chải mềm, khi chải răng ta chải theo chiều dọc từ viền nướu đến bờ cắn của răng. Bàn chải được đặt nghiêng sao cho có thể chải bờ viền giữa răng và nướu, lấy sạch các mảng bám ở viền nướu và khe răng.

– Bờ viền quanh cổ răng là nơi mảng bám hình thành đầu tiên, do đó phải đặc biệt chú ý đến nơi này.

2. Sử dụng chỉ tơ nha khoa để lấy đi các mảng bám, mảnh vụn thức ăn ở kẽ giữa hai răng. Không nên dùng tăm xỉa răng đâm xọc qua các khe răng vì sẽ gây hở khe răng, gây chảy máu lâu dần sẽ đưa đến viêm nướu.

3. Khám răng định kỳ và thường xuyên tại phòng Nha để nha sĩ phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Bệnh nha chu được phát hiện sớm sẽ điều trị được dễ dàng. Nếu không điều trị sớm, bệnh tiến triển nặng, việc điều trị sẽ khó khăn, phức tạp, tốn kém nhiều, kết quả ít khả quan.

Kết quả điều trị

Kết quả điều trị tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố:

Nếu ở thời kỳ chỉ là bệnh viêm nướu thì kết quả điều trị rất khả quan. Vì bệnh nướu là bệnh hoàn nguyên nên sau khi điều trị, nướu sẽ trở lại trạng thái bình thường như trước khi bị bệnh.

Nếu đã viêm nha chu, kết quả điều trị tùy thuộc vào độ sâu của túi nha chu, mức độ tiêu xương, phương tiện, phương pháp và kỹ năng điều trị của bác sĩ cùng các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân nếu có. Tuy nhiên, còn có một yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị là hiểu biết và sự hợp tác của người bệnh trong suốt quá trình điều trị.

4. Vai trò của bệnh nhân trong điều trị

Có thể nói trong điều trị bệnh viêm nha chu, bác sĩ chỉ đem lại hiệu quả của phương pháp, còn kết quả đạt được sau cùng phụ thuộc rất nhiều vào bệnh nhân. Nói cách khác, sự hợp tác của bệnh nhân có vai trò điều dưỡng như trong điều trị các bệnh toàn thân, nếu không điều dưỡng tốt thì kết quả điều trị sẽ không tốt và ngược lại. Điều này đã được chứng tỏ trong lâm sàng, thể hiện tầm quan trọng của sự hợp tác giữa thầy thuốc và bệnh nhân trong điều trị.

KẾT LUẬN

Bệnh nha chu chiếm tỷ lệ khá cao trong các bệnh răng miệng và là một nguyên nhân quan trọng của sự mất răng. Do đó vấn đề dự phòng bệnh nha chu còn cần thiết hơn cả việc điều trị. Khi chưa mắc bệnh, phải dự phòng không để bệnh xảy ra; Khi đã bị viêm nướu, phải tích cực điều trị để không bị viêm nha chu; Khi đã mắc phải bệnh viêm nha chu, cần tích cực điều trị sớm ở một bác sĩ chuyên khoa nha chu với thái độ hợp tác triệt để, nhất là khi đã chuyển sang giai đoạn điều trị duy trì. Nếu theo đúng trình tự dự phòng như thế, nhất định chúng ta sẽ đảm bảo được sức khỏe răng

Bệnh Viện Chuyên Khoa Rằng Hàm Mặt Việt Anh Đức Sưu Tầm


Share this post